Văn hóa doanh nghiệp: Gắn kết, Kích hoạt và Truyền năng lượng

Văn hóa doanh nghiệp: Gắn kết, Kích hoạt và Truyền năng lượng

Members of a community welcoming a new member.

Theo nghiên cứu của Towers Watson – một công ty dịch vụ toàn cầu của Mỹ với ngành nghề chính là tư vấn rủi ro và quản trị nhân lực, văn hóa niềm tin được phát triển từ hoạt động E+E+E, có nghĩa là Gắn kết (Engaged), Kích hoạt (Enabled) và Truyền năng lượng (Energized).

Gắn kết
Một nhân viên được gắn kết với doanh nghiệp khi họ hiểu được công việc của mình có ích cho tổ chức như thế nào và giá trị từ sự đóng góp của mình. Từ đó, họ luôn cố gắng làm việc và thực hiện theo sứ mệnh của công ty.

Theo nghiên cứu năm 2010 của Towers Watson, có 62% nhân viên có gắn kết chút ít với doanh nghiệp, 21% hoàn toàn gắn kết và 37% hoàn toàn không có chút gắn kết nào. Tổ chức này cũng xếp loại mức độ gắn kết của nhân viên như sau:

  • Không gắn kết: Những người này chống lại các mục tiêu thậm chí phá hoại văn hóa trong doanh nghiệp. Họ là hiểm họa cho doanh nghiệp.
  • Bị tước quyền: Những người này gặp bất lợi trong công việc, họ không chủ đích phá hoại nhưng họ thường sử dụng năng lượng cho việc tìm kiếm công việc khác.
  • Được chiêu nạp: Những người này gắn kết chút ít với doanh nghiệp và nỗ lực vừa phải. Tuy nhiên họ cũng sẵn sàng tìm kiếm các công việc khác và coi công việc hiện tại là nhất thời.
  • Gắn kết: Những người này sẵn sàng nỗ lực vì khách hàng, đồng nghiệp và mục tiêu của công ty.
  • Gắn kết theo cấp số nhân: Đây là những nhân viên được gắn kết, kích hoạt và được truyền năng lượng. Những nhân viên này không chỉ gắn bó với công ty trong hiện tại mà luôn tìm cách làm tăng giá trị của tổ chức trong tương lai. Họ luôn tìm cách cải tiến, tăng năng suất lao động. Họ là niềm hy vọng của tổ chức.

Cũng theo dữ liệu nghiên cứu của Tower Watson, kết quả tài chính của các tổ chức có nhiều nhân viên gắn bó sẽ cao hơn 44% so với các tổ chức có ít nhân viên gắn bó. Để tăng cường sự gắn kết của nhân viên, lãnh đạo phải đảm bảo toàn bộ nhân viên hiểu được sự liên kết giữa công việc và hành động của họ đối với mục đích, tầm nhìn, mục tiêu to lớn hơn của công ty. Người lãnh đạo phải dành thời gian cho việc cố vấn, chuyện trò cởi mở với nhân viên của mình về sứ mệnh của doanh nghiệp. Nhân viên, qua đó, sẽ có niềm tin rằng họ sẽ phát triển khi làm việc ở công ty, nếu không nhờ vào sự thăng tiến thì sẽ nhờ vào việc hoàn thành các mục tiêu và vươn đến cấp độ hoàn thiện năng lực làm việc tốt hơn.

Để làm được điều này, người lãnh đạo phải có được tình yêu đối với công việc cũng như đối với nhân viên của mình. Thay vì khống chế họ, bạn hãy kết nối mọi người như một phần của tổ chức.

Kích hoạt
Từ “kích hoạt” ở đây có một từ gần nghĩa nhất đó là “hỗ trợ”. Để kích hoạt nhân viên, tổ chức phải cung cấp cho họ công cụ, trang thiết bị cần thiết cho công việc. Ngoài ra, cần phải có sự trợ giúp và định hướng từ ban lãnh đạo khi họ gặp khó khăn, trở ngại. Theo dữ liệu nghiên cứu của Tower Watson, lợi nhuận của các công ty có mức độ gắn bó và kích hoạt cao hơn 65% so với các công ty có mức độ thấp. Để nhân viên được kích hoạt, lãnh đạo phải làm tốt ba nhiệm vụ dưới đây.

Thứ nhất, đảm bảo thông tin trong doanh nghiệp được chia sẻ, thông suốt. Nếu gắn bó tạo ra sự liên kết thì kích hoạt tạo nền tảng hoạt động vững chắc. Tất cả tình trạng công việc hiện tại như hạn mức, doanh thu, tiến độ, phản hồi từ khách hàng phải được truyền đạt tới nhân viên. Các doanh nghiệp Nhật Bản thường tổ chức những cuộc họp toàn thể nhân viên đầu mỗi tháng. Trong cuộc họp này, tình hình biến động nhân sự, kỷ luật, chi phí, khiếu nại của khách hàng sẽ được thông báo tới toàn thể công nhân viên.

Thứ hai, người lãnh đạo biết kích hoạt không phải là người dành thời gian trợ giúp nhân viên bằng cách giải quyết thay vấn đề cho họ mà cung cấp mối liên lạc cần thiết để nhân viên thực hiện tốt công việc của mình. Đồng thời, họ cũng cung cấp các công cụ, nguồn lực làm việc ở mức tốt nhất có thể cho nhân viên như ánh sáng, máy tính, mạng Internet, phương tiện di chuyển…

Thứ ba, khích lệ nhân viên đưa ra sự sáng tạo và cải tiến của mình. Để làm được điều này, lãnh đạo cần có sự giao tiếp cởi mở với nhân viên của mình. Được tham gia vào việc xây dựng công việc thay chỉ vì đơn giản là thực thi, nhân viên sẽ cảm thấy hào hứng hơn đối với công việc và biết được tầm quan trọng của mình với công ty.

Truyền năng lượng
Duy trì khả năng làm việc tốt có nghĩa là truyền năng lượng cho nhân viên. Bất kể được kích hoạt và gắn bó như thế nào, khả năng làm việc của nhân viên vẫn có thể thay đổi. Để xây dựng văn hóa có hiệu quả, bạn phải thường xuyên quan tâm đến thể chất, tinh thần và đời sống xã hội của nhân viên. Truyền năng lượng cho mọi người có hai phương pháp thực hiện như sau.

Thứ nhất, duy trì sự giao tiếp cởi mở và chia sẻ thông tin. Đây cũng là một phương pháp để duy trì sự kích hoạt. Văn hóa doanh nghiệp tốt là khi đó thông tin được chia sẻ mỗi ngày, thậm chí mỗi giờ. Để làm được điều này, bạn nên tổ chức những cuộc họp ngắn vào mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu làm việc. Trong cuộc họp này, nhân viên sẽ báo cáo về công việc mà họ dự định làm trong ngày và các sự cố phát sinh trong quá trình làm việc cũng như đề nghị của họ với cấp trên. Đồng thời bạn cũng chia sẻ cùng họ lịch làm việc của mình và giải đáp các thắc mắc.

Thứ hai, duy trì chế độ thưởng phạt nghiêm minh. Để nhân viên có thêm năng lượng, họ phải thấy được cố gắng của mình được ghi nhận. Bạn nên tạo ra sự ganh đua trong doanh nghiệp bằng một bảng thành tích công khai hiệu quả làm việc của những phòng ban, cá nhân trong doanh nghiệp. Những cá nhân, tập thể này sẽ được trao thưởng trong cuộc họp toàn nhân viên vào mỗi tháng.

Sức mạnh của văn hóa doanh nghiệp đến từ sự kết hợp của bộ ba: gắn kết, kích hoạt và truyền năng lượng. Towers Watson đã phát hiện ra các công ty kết hợp giữa ba thành tố này có thể tạo ra lãi suất cao hơn ba lần so với các công ty có chỉ số gắn bó thấp và hai lần so với các công ty chỉ có duy nhất chỉ số gắn bó cao. Bạn hỏi tại sao ư? Bởi tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp chính là con người! Người lãnh đạo giỏi sẽ là người tạo ra văn hóa tốt. Văn hóa tốt sẽ thu hút nhân viên giỏi vì đây chính là môi trường để họ phát triển.

Theo Capro – lamchame.com

Bình luận về bài viết này